Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò “làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn” của nông dân và dân cư nông thôn.
Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng một dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân; Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân. Do vậy, theo Ban tổ chức, việc chọn khái niệm “người nông dân chuyên nghiệp” làm chủ đề của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII sẽ phù hợp với mục tiêu xây dựng nông dân văn minh cũng như tri thức hóa nông dân mà Nghị quyết 19 của Đảng, các ngành chức năng đặt ra.
Thực tế, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp những khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất; thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản. Mục đích của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII là tiếp tục nhìn nhận, đánh giá những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của nông dân trên con đường xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp gắn với phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, đại diện các địa phương, Hội Nông dân các cấp, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động để cùng đi tìm câu trả lời thế nào là người nông dân chuyên nghiệp; người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp?. Những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản… Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp – phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Nông dân Đồng Tháp sản xuất lúa hữu cơ theo nhu cầu thị trường. Ảnh: Huỳnh Xây.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của nông dân, các nhóm vấn đề dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận giữa nông dân với đại diện các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tại Diễn đàn gồm: Thúc đẩy liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản… để xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp.
Để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. Nông dân làm nông nghiệp, ở nông thôn thì đương nhiên họ đóng vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới trong một tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để đảm nhận vai trò chủ thể của mình.
Để tranh thủ cơ hội, đồng thời nhận diện bất cập, khắc phục khó khăn, hạn chế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện tình trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xung quanh khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”.
Nguồn: danviet.vn